Rẽ chưa hẳn là tốt. "Tiền nào của nấy" quá đúng

19/07/2024
132

Xe điện Trung Quốc vào thị trường VN: Giá rẻ, từ ưu thế thành 'gót chân Achilles'

https://thanhnien.vn/xe-dien-trung-quoc-vao-thi-truong-vn-gia-re-tu-uu-the-thanh-got-chan-achilles-185240718233302085.htm

 

Tại các thị trường phát triển, xe điện Trung Quốc gặp không ít khó khăn, bị đánh thuế, điều tra… buộc phải chuyển hướng sang thị trường châu Á, trong đó có VN. Giá rẻ vốn là ưu thế hàng đầu của xe điện Trung Quốc, thế nhưng những điều tiếng từ nhiều nước khiến nó đang trở thành "gót chân Achilles".

 

Bức xúc vì vừa mua đã mất giá

Tại thị trường Trung Quốc, BYD đã nhanh chóng trở thành biểu tượng và thắng lớn do có lợi thế về giá cả. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, BYD bắt đầu một đợt tấn công mới trong cuộc chiến giá cả khi đã chuyển từ chiến lược bán ô tô điện với mức giá tương đương với ô tô sử dụng động cơ đốt trong sang mức giá thấp hơn nữa. Các dữ liệu cho thấy BYD đã chấp nhận giảm lợi nhuận trên mỗi xe xuống thấp hơn 8 lần so với đối thủ Tesla, để tăng cường chiếm lĩnh thị trường. 

Theo thống kê từ Late Finance, BYD có lợi nhuận ròng trung bình khoảng 1.250 USD/xe trong khi Tesla - hãng xe điện hàng đầu của Mỹ - đạt mức cao hơn nhiều với 8.250 USD/xe dựa trên lợi nhuận ròng 14,9 tỉ USD và doanh số bán ra 1,81 triệu xe vào năm 2023.

Xe điện Trung Quốc vào thị trường VN: Giá rẻ, từ ưu thế thành 'gót chân Achilles'- Ảnh 1.

Lượng người sắm xe điện, sử dụng dịch vụ xe điện công nghệ ngày càng tăng tại VN

NHẬT THỊNH

Tuy vậy, chính sách giá rẻ không phải khi nào cũng thuận lợi, bởi với ô tô, người tiêu dùng chọn giá rẻ lại thích được mua rẻ hơn. Thế nên mới đây, tại thị trường Thái Lan, nhiều khách hàng của hãng xe điện BYD lại "rủ" nhau không vội mua xe điện của hãng này để chờ… giảm giá nữa. Điều này xuất phát từ chính sách giảm giá mạnh của nhà sản xuất và gây bất bình cho không ít người đã bỏ ra số tiền lớn hơn để mua xe của hãng trước đó. 

Cụ thể, tại thị trường Thái Lan, chiếc xe điện Atto3 của BYD từng giảm giá mạnh đến 100.000 baht (tương đương 70 triệu đồng) vào cuối năm 2023; gần hết quý 1 năm nay, hãng này lại giảm tiếp thêm 100.000 baht nữa, khiến những người mua xe trước đó 3 tháng bức xúc. Chưa hết, trong tháng 7, hãng xe điện này tiếp tục giảm giá bán thêm 140.000 baht, tổng 3 lần giảm là 340.000 baht (tương đương gần 240 triệu đồng). Trên Facebook, một khách hàng Thái Lan có tên Kato Kung gay gắt: "Tôi nghĩ mình không thể chịu đựng được nữa, tôi không muốn sử dụng nữa vì không thích những công ty có hành động như vậy".

Một khách hàng cũng tại thị trường Thái Lan có tên Japang Poonn, giới thiệu là khách hàng sớm nhất của BYD, cũng chia sẻ trên Facebook cảm thấy bị "tổn thương" khi giá xe giảm gần 400.000 baht chỉ trong 1 năm 2 tháng. Người này nói thẳng cách làm marketing của hãng xe là không công bằng và hãng phải bồi hoàn tiền… Bởi về nguyên tắc, nhân viên bán hàng phải biết rõ chiến dịch giảm giá sắp đến và lẽ ra phải thông báo cho khách hàng theo đạo đức nghề nghiệp.

Chính sách giảm giá sâu liên tục của BYD còn gây bất bình ngay trên sân nhà. Thậm chí những người mua xe trước, hôm sau thấy giảm đến hơn 2.000 USD đã cho biết là "bị sốc" vì mua giá cao, phí bảo hiểm cũng cao hơn, rồi sau một đêm bỗng dưng mất 2.000 USD đột ngột, cảm giác như bị lừa và một số quyết tâm đòi hãng bồi thường. Việc giảm giá thường xuyên khiến nền tảng giám sát chất lượng ô tô tại Trung Quốc nhận hàng ngàn khiếu nại các hãng xe điện trong nước, chiếm đến 45% tổng số khiếu nại liên quan đến ô tô. 

Thậm chí, trên trang mạng xã hội Xiaohongshu, các chủ sở hữu xe BYD thành lập các hội nhóm để thảo luận cách đòi bồi thường, chẳng hạn như gọi điện cho đại diện bán hàng hoặc liên hệ với các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các chủ xe nói rằng họ bị các hãng xe điện "đâm sau lưng" bởi việc giảm giá sâu khiến những chiếc xe đã qua sử dụng không lâu trở nên vô giá trị ngay trên thị trường xe cũ.

Ngoài giảm giá sâu, chất lượng của các hãng xe điện Trung Quốc cũng được "tố" trên nhiều hãng truyền thông thế giới. Hồi tháng 3, báo Mỹ Wall Street Journal có bài viết về xe điện, dẫn lời một giám đốc điều hành thị trường của BYD tiết lộ trong lúc cố gắng thâm nhập thị trường quốc tế, hãng xe điện Trung Quốc gặp phải nhiều vấn đề về việc kiểm soát chất lượng chưa tốt, cùng với những tranh cãi nội bộ về tốc độ của BYD, đặc biệt là xe xuất khẩu. Cụ thể, tháng 1 năm nay, có một xe buýt BYD ở London bốc cháy, khiến chính quyền Anh phải thu hồi gần 2.000 chiếc. Hay tại thị trường Nhật Bản, người dùng cũng "tố" hãng xe điện này đã xuất bán sản phẩm bị nhiều khiếm khuyết như móp méo, trầy xước; tại Thái Lan thì xe bị tróc sơn; tại Israel là xe bị cong vênh...

Sợ "tiền nào của nấy"

Theo Reuters, chiếc Atto3 được BYD giới thiệu tại thị trường VN sẽ có giá từ 766 triệu đồng (30.300 USD), cao hơn so với mức giá khởi điểm 675 triệu đồng của xe VF 6 do VinFast sản xuất. Trên một số diễn đàn xe điện, cuộc phỏng vấn bỏ túi cho thấy nhiều người bày tỏ sự nghi ngại đối với tân binh đến từ thị trường láng giềng này. Ông Phạm Thái Bình (Đà Nẵng) cho hay mua một chiếc xe điện trong nước, có chế độ hậu mãi quá tốt, trạm sạc nhiều "vô thiên lủng" mà còn nâng lên đặt xuống. Cuối cùng ông đã chốt mua được sau 2 tháng cân nhắc. "Nay quá ổn và hài lòng. Đọc những thông tin về xe điện Trung Quốc nói chung thấy khó an tâm vì nếu mua rồi, không biết sạc điện ở đâu. Chưa nói là liệu xe nhập về bán tại VN có hay không lượng xe tồn kho tại châu Âu mà giấy chứng nhận bán hàng hết hạn…", ông Bình nói.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận xét sau khi thành công tại thị trường nội địa, BYD muốn "đánh" ra thế giới, bắt đầu tại thị trường châu Âu để xây dựng lý lịch tốt. Người dùng châu Âu mà chấp nhận thì coi như vượt qua cửa ải khó nhất và rất dễ thành công tại các thị trường khác như châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, Úc… Đó là cách làm khá khôn ngoan nhưng trong thực tế không như mong đợi. Người Đức chọn mua xe điện từ châu Á thường chọn xe của Hàn Quốc, Nhật Bản trước tiên. "Người Việt mình có câu "tiền nào của nấy". Điều này càng đúng hơn với sản phẩm là chiếc ô tô - như một phần trong tài sản. Giá rẻ từ vũ khí trở thành "gót chân Achilles" của xe điện Trung Quốc. Tôi nghĩ chính sách của các hãng xe điện Trung Quốc, dù có thương hiệu hay chưa, thường chọn giá rẻ, hoặc giảm giá ồ ạt. Với thị trường châu Á, thu nhập thấp hơn châu Âu, nhưng chưa hẳn giá rẻ lại được lòng khách", ông Đồng nhận định.

Ông Nguyễn Minh Đồng phân tích: "Xe BYD không sản xuất tại VN, chỉ sản xuất tại Thái Lan. Ngay cả hàng bán cho thị trường nội địa, Hãng MG mua bản quyền từ Anh cũng sản xuất tại Thái Lan, nhập về bán cho trong nước. Đó là cách họ đánh đòn tâm lý cho khách hàng trong và ngoài nước. Dòng xe điện của BYD bán tại VN cũng được nhập từ Thái về. Nhưng VinFast vừa có nhà máy trong nước, đang chiếm ưu thế nhất về thương hiệu, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng và đặc biệt hệ thống hạ tầng trạm sạc trên cả tuyệt vời. Các hãng xe điện nhập khẩu vào bán khó cạnh tranh nổi, cho dù hạ giá bán".

Người Việt không chỉ xem chiếc ô tô điện là phương tiện, mà đó còn là một phần tài sản. Thời gian qua, truyền thông về xe điện trong nước khá tốt, nhiều người Việt bắt đầu quan tâm và sắm xe điện nhiều hơn. Trạm sạc đối với xe điện quan trọng như cây xăng với xe xăng thôi. VinFast lợi thế hơn nhiều, nên nếu lựa chọn mua xe điện, chắc chắn các hãng xe nhập khẩu, bấp bênh về trạm sạc hoặc có quá ít lựa chọn để tiếp năng lượng nên người mua không mặn mà.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng


Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: